Xin hãy giúp 3 cháu mồ côi cha mẹ ở Quảng Bình có hoàn cảnh rất khó khăn

18:47 - 25/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1593
 (HTVN) Cha chết sớm, mẹ cũng bỏ lại đàn con thơ dại ra đi vĩnh viễn sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Đang ở tuổi ăn tuổi học, nhưng 3 chị em Trương Thị Huyền ( lớp 9) Trương Thị Trang (lớp 7), Trương Thị Hoài Thu (lớp 3) ở thôn Gia Tịnh, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã sớm phải sống cảnh mồ côi, bệnh tật, nghèo khó.
Thắp nén nhang lên bàn thờ ba mẹ, Huyền nước mắt chảy ròng khi kể về hoàn cảnh gia đình mình

Thắp nén nhang lên bàn thờ ba mẹ, Huyền nước mắt chảy ròng khi kể về hoàn cảnh gia đình mình

 Vừa đặt chân đến đầu xã, khi nghe chúng tôi hỏi đường đến nhà 3 đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, ai ai cũng ngậm ngùi thương cảm: “Tội nghiệp mấy đứa nhỏ lắm cô chú ơi! Cha mẹ đều mất do tai nạn giao thông để lại 3 đứa con thơ dại trong cảnh bệnh tật, nghèo khó. Không biết rồi đây tương lai mấy đứa trẻ sẽ đi về đâu?”.  
Hôm chúng tôi đến, 3 chị em Huyền vừa đi học về. Vội cất tập sách vở, Huyền chạy ùa xuống bếp nhóm lửa thổi cơm, hai đứa em là cũng ra vườn hái ít rau cải vào luộc, nấu thêm bát canh để đơm mâm cơm đạm bạc lên bàn thờ người mẹ xấu số mới mất chưa đầy 100 ngày. 

Trong ngôi nhà nhỏ có đến 3 chiếc bàn thờ, khói nhang nghi ngút, em Huyền nước mắt giàn giụa kể: "Năm 2006, ba em tên là Trương Quang Dục (35 tuổi) đã qua đời sau một tai nạn giao thông. Tháng 8 năm 2012, ông nội của em cũng lâm bệnh nặng và qua đời. Đến tháng 10, năm 2013, mẹ em là  Lê Thị Thúy (38 tuổi) cũng tử nạn vì tai nạn giao thông". 
Sau ngày mẹ mất, ông bà nội cũng không còn, 3 chị em Huyền sống nương tựa vào người o (cô) ruột và ông bà ngoại. Tuy nhiên, người o lại ở xa, ông bà ngoại nay cũng đã già yếu, hoàn cảnh gia đình lại rất khó khăn nên cuộc sống các em luôn trong cảnh túng quẫn, thiếu thốn trăm bề. Đã thế, em Huyền lại mắc phải căn bệnh tim bẩm sinh quái ác. 
Chị Trương Thị Thân (o ruột của chị em Huyền) cho biết, Huyền bị bệnh tim bẩm sinh từ nhỏ, nhưng do gia đình không có điều kiện để chữa trị nên bệnh tình ngày càng nặng thêm. Thời gian gần đây, em thường bị ngất lịm trên lớp nên anh em họ hàng gom góp được 20 triệu đồng đưa vào Bệnh viện TW Huế thăm khám và điều trị. Hiện tại sức khỏe em vẫn chưa ổn định. 
 “Ba mẹ em chết hết rồi, giờ chúng em đang gánh món nợ ngân hàng 18 triệu, chưa kể số tiền 20 triệu đồng của anh em họ hàng cho mượn, không biết đến khi mô mới có mà trả. Giờ chúng em chỉ cầu mong khỏe mạnh, được đi học để sau này đi làm kiếm tiền trả nợ”, nói rồi Huyền quay sang nhìn bàn thờ ba mẹ, hai hàng nước mắt chảy ròng trên cặp má đứa trẻ thơ dại, sớm phải gánh vác trọng trách việc gia đình thay ba thay mẹ.   


 
Dẫu ba mất, mẹ chẳng còn, cuộc sống muôn vàn khó khăn nhưng 3 chị em Huyền luôn khao khát được đến trường với hy vọng sau này có việc làm để nuôi bản thân.

Hoàn cảnh nghiệt ngã lại vậy, nhưng hiện tại 3 chị em Huyền còn cưu mang thêm người chị cùng cha khác mẹ, bị bệnh bại não nằm một chỗ 18 năm nay. “Có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Chúng cháu có cái ăn là chị cũng không bị đói. Dù khác mẹ nhưng chúng cháu cũng thương chị ấy nhiều lắm!”, Huyền tay đút cơm cho chị, nước mắt lăn dài. 


Chứng kiến cảnh này, hẳn rằng ai ai cũng ứa nước mắt. Những giọt nước mắt cảm động trước cảnh người em cùng cha khác mẹ đang đút từng thìa cơm cho chị (em Trương Thị Thùy Linh - 18 tuổi - PV) bị bại não nằm một chỗ

Xót thương cho 3 đứa cháu tội nghiệp, ông Lê Văn Tuynh (ông ngoại của chị em Huyền) bật khóc: “Ông trời ơi, có ai khổ như các cháu tui không? Đang ở tuổi ăn tuổi học đã phải sống cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mai mốt thân già ni mà chết đi không biết ai sẽ nuôi các cháu tui đây?”. Nói đoạn, ông Tuynh úp mặt khóc nức nở. 


Sau khi đút xong bát cơm cho người chị, 3 chị em Huyền ngồi quây quần bên mân cơm chỉ có đĩa rau cải luộc và bát canh mặn chát 
 
Trước bàn thờ, di ảnh khói hương nghi ngút, hỏi về ước mơ, 3 chị em Huyền giọng nghẹn đắng: “Hoàn cảnh chúng cháu rất khó khăn, ba mẹ cháu đều không còn, chúng cháu giờ chỉ mong được đi học để sau này có cái nghề tự nuôi bản thân…”.
Nghe ước mong từ tận đáy lòng của những đứa trẻ thơ dại mồ côi cả cha lẫn mẹ khiến lòng tôi trĩu nặng, ứa lệ. Thiếu đi bàn tay chăm sóc của người mẹ, sự chở che của người cha, không biết rồi đây tương lai của mấy chị em Huyền sẽ đi về đâu...?!
                                               
 Theo Dân trí
 

 
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
1. Mã số 1302: Chị Trương Thị Thân, o (cô)  ruột của em Trương Thị Huyền: Thôn 3 - Phúc Đồng, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Điện thoại liên hệ của chị Thân: 0985.204.566
 

Những tin cũ hơn

Nhật ký ở làng(kỳ 3) - Những câu chuyện dòng tộc

Nhật ký ở làng(kỳ 3) - Những câu chuyện dòng tộc

— 22 Tháng Năm 2017

Từ xưa, trong văn hóa làng xã, việc lập gia phả đối với các tộc họ là rất quan trọng. Trong sự phát triển của dòng tộc, mỗi “tộc” chia ra thành nhiều “phái”, mỗi phái có nhiều “chi”, dưới chi là các “phân chi”, sau phân chi là các “hệ” (thường được gọi là các “đầu ông”). Gia phả tộc sau đó được phân chia thành “phả hệ” các phái - chi - phân chi - hệ phả do các trưởng nam phụng thờ, gìn giữ rất cẩn thận. Các phả hệ thường được viết trên giấy dó, có nơi viết trên lụa tốt, cuộn tròn đặt trong các ống tre, ống đồng và để ở nơi trang trọng nhất trên gian thờ chính. Chỉ những ngày giỗ chạp, ngày tết, cháu con tề tựu, tộc trưởng hoặc trưởng nam dựng lễ vật, thắp nhang khấn ông bà tiên tổ xin “thỉnh khai gia phả” thì mới được lấy xuống. Thỉnh mở phả hệ thường là để phổ biến cho con cháu, viết bổ sung các đời lớp tiếp sau hoặc thêm vào các sự kiện, biến cố trong tộc, phái. Vì vậy, tộc phả hay “phả hệ” cũng chính là bộ sử của gia đình, dòng họ, là văn bản hết sức quan trọng, thiêng liêng của mỗi dòng tộc. Xung quanh vấn đề dòng tộc, làng tôi có khá nhiều chuyện.

Nhật ký ở làng (kỳ 2) - Sự thách đố của người xưa

Nhật ký ở làng (kỳ 2) - Sự thách đố của người xưa

— 22 Tháng Năm 2017

Xưa, làng tôi tên Kim Quất, đến thời chúa Nguyễn đổi thành Thanh Quất, là một trong 66 làng thuộc phủ Điện Bàn (theo Ô châu cận lục). Các bậc tiền hiền từ các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Hồng vào khai cư lập nghiệp ở đây đến nay đã hơn 5 thế kỷ. Làng có 4 xóm - gọi là “tứ ấp” - với 12 xứ đất gồm: Lệ Thủy, Bắc Bằng, Bàu Đưng, Thanh Luy Tiền, Thanh Luy Trung, Thanh Luy Hậu, Mụ Đội, Bàu Nhơn, Minh Thượng, Trà Cổ, Thạch Não Nội và Thạch Não Ngoại. Lại có các xứ đồng chuyên trồng trọt, các xứ đất gò làm nghĩa trang cho người quá vãng như Gò Dang, Gò Nơm, Gò Tử, Gò Huề, Vạt Cháy, Gò Phật, Gò Lao, Gò Sành, Vườn Huê, Vườn Chỉnh, Vườn Chàm. Liên quan đến xứ đất, xứ đồng là những câu chuyện “dở khóc dở cười” của dân làng trong quá trình truy tìm mộ ông bà, tổ tiên.

Nhật ký ở làng (kỳ 1) - Về làng

Nhật ký ở làng (kỳ 1) - Về làng

— 22 Tháng Năm 2017

Tốc độ đô thị hóa, cuộc sống công nghiệp phát triển, con người trở nên căng thẳng và dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Vì vậy, nhiều người ở thành phố bây giờ thèm khát một ngày về lại nông thôn để tìm sự cân bằng. Nông thôn - nơi lưu giữ nhiều nếp văn hóa truyền thống cũng đang đứng trước những thách đố đô thị hóa và rơi vào lãng quên...

Ông Trương Phi Đức bảo vệ Luận án Tiến sỹ về Mỹ thuật

Ông Trương Phi Đức bảo vệ Luận án Tiến sỹ về Mỹ thuật

— 22 Tháng Năm 2017

Chiều Thứ Sáu, ngày 1 tháng 2 năm 2013,Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Nhà nước cho NCS. Trương Phi Đức

Nén hương tưởng niệm ông Trương Trọng Khem- trưởng tộc Họ Trương Văn xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Nén hương tưởng niệm ông Trương Trọng Khem- trưởng tộc Họ Trương Văn xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

— 22 Tháng Năm 2017

Nhà nghiên cứu lão thành Trương Quang Phúc – Chủ tịch Hội đồng Trương tộc Quảng Bình gọi di động báo cho Ban văn kiện Hội đồng Trương tộc Việt Nam lâm thời biết tin: ông Trương Trọng Khem – trưởng tộc họ Trương Văn xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch đã tạ thế vào sáng ngày 14 tháng 11 năm Nhâm Thìn (tức ngày 26/12/2012), hưởng thọ 76 tuổi.